Trung tâm nước mặn ĐBSCL đang triển khai các mô hình giải pháp sáng tạo tại hai hộ Nông dân Điển hình ở tỉnh Trà Vinh, một khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề từ xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Các mô hình tập trung vào trồng rau thủy canh, thu gom và trữ nước, và xử lý nước.

Nông dân Điển hình đầu tiên là ông Sáng, cư trú tại xã Hòa Lợi, huyện Châu Thành. Khu vực này thường xuyên thiếu nước tưới tiêu trong mùa khô, gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp. Ông Sáng là một nông dân giàu kinh nghiệm, đã trồng rau để bán ra thị trường từ lâu và đây là nguồn thu nhập chính cho gia đình. Các mô hình được áp dụng tại nông hộ của ông là thủy canh tĩnh và hệ thống thu gom và trữ nước.

Nông dân Điển hình thứ hai là bà Vân, ngụ tại cù lao Cồn Chim (xã Hòa Minh, huyện Châu Thành), một cù lao nhỏ giữa sông Cổ Chiên, gần cửa biển. Gần đây, tình trạng xâm nhập mặn kéo dài ảnh hưởng đến sinh kế của nhiều hộ gia đình trên cù lao, trong đó có gia đình bà Vân. Thu nhập chính của bà Vân đến từ việc trồng lúa, rau, hoa, nuôi trồng thủy sản để phục vụ các dịch vụ ăn uống và cho thuê phòng tại homestay của gia đình. Các mô hình được áp dụng tại nông hộ bà Vân là thủy canh tĩnh, thủy canh hồi lưu, hệ thống thu gom và trữ nước và hệ thống xử lý nước.

Trung tâm nước mặn ĐBSCL hy vọng rằng việc chia sẻ những kinh nghiệm và kết quả tích cực của các mô hình giải pháp tại hai hộ Nông dân Điển hình này sẽ không chỉ góp phần vào việc ứng phó với xâm nhập mặn mà còn truyền cảm hứng cho cộng đồng nông dân địa phương. Chúng tôi tin rằng thông qua việc áp dụng các mô hình giải pháp sáng tạo, người dân sẽ có thể nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và đảm bảo sinh kế bền vững.

Menu